Các nhà bán lẻ truyền thống sẽ khó thu hút khách hàng nếu vẫn giữ cách kinh doanh cũ, với đủ loại hàng hóa nằm im lìm trên kệ để khách muốn lựa chọn gì thì tùy thích.
Các tập đoàn đa quốc gia đã chuyển mình như thế nào?
Rồi sẽ còn một danh sách dài nhiều công ty bán lẻ phải rời bỏ thị trường vì không theo kịp xu hướng mới. Chẳng hạn, ở Mỹ, những cửa hàng bán lẻ danh tiếng như Sears, Macys, Gymboree, The Limited, A&P, Grand Union, Blockbuster, Hollywood Video, FAO Schwarz,… kẻ thì đóng cửa, người thì đệ đơn xin phá sản.
“Kẻ hủy diệt” những cửa hàng này không ai khác ngoài Amazon với mô hình thương mại điện tử của mình. Và, sự ám ảnh của Amazon chưa dừng lại khi công ty này thực hiện thương vụ M&A thâu tóm chuỗi siêu thị Whole Foods với 13,7 tỷ USD, gây rúng động cho cả nền bán lẻ Mỹ. Giờ đây, vừa sở hữu cửa hàng offline và online, Amazon không khó bóp nghẹt các đối thủ cạnh tranh.
Sau động thái ấy của Amazon, Walmart đã phải thức tỉnh và tham gia bán hàng online.
Jeff Kagan thuộc Đại học Harvard nhận xét: “Ngành bán lẻ đang ở chu kỳ chuyển mình dưới sức ép của công nghệ và các đối thủ có những cách làm khác biệt. Tuy nhiên, nếu nhìn về quá khứ, ngành bán lẻ luôn biết cách thích ứng với các xu hướng mới. Amazon đang gây áp lực lớn cho bán lẻ truyền thống và tái định nghĩa lại ngành bán lẻ, nhưng ngành bán lẻ truyền thống sẽ không chết mà biến đổi linh hoạt hơn.
Đối với nhà bán lẻ offline, việc cung cấp các trải nghiệm cho khách hàng là phương thức để đấu lại sự phát triển của thương mại điện tử, đồng thời mở ra kênh bán hàng đa kênh (omni channel) và nắm bắt công nghệ số là điều kiện tiên quyết để thành công”.
Công nghệ đã làm thay đổi toàn cục ngành bán lẻ
Để tiếp tục phát triển kinh doanh, không có gì khác hơn ngoài nắm bắt xu hướng công nghệ để chinh phục khách hàng. Đã có nhiều công nghệ mới có thể tạo ra đột phá cho ngành bán lẻ, giúp gia tăng khả năng tương tác khách hàng.
Thu thập dữ liệu định vị của khách hàng là công nghệ mới nhất trong ngành bán lẻ năm 2018. Công nghệ này cho phép theo dõi từng bước chân của khách dừng ở quầy kệ nào, lựa chọn món đồ nào, từ đó nhà bán lẻ phân tích từng hành vi mua sắm, hiểu chính xác phân khúc khách hàng để đưa ra sản phẩm, giá cả đúng nhu cầu, kèm theo các lợi ích được cá nhân hóa khách hàng giúp gia tăng năng lực cạnh tranh.
Dù còn khá mới mẻ, nhưng công nghệ thực tế ảo phức hợp (Augmented Reality – AR) được dự báo đem lại động lực tăng trưởng cho ngành bán lẻ. AR cho phép khách sử dụng điện thoại quét lên sản phẩm muốn mua và đưa vào môi trường thực tế để hình dung sản phẩm đó có phù hợp và cho phép khách thả sức sáng tạo. Chẳng hạn, bộ bàn ghế có hợp với nhà bếp hay cái áo mặc vào sẽ ra sao. Một khi khách hàng cảm nhận được thực tại thì việc thuyết phục họ mua sản phẩm sẽ dễ dàng hơn.
Trong tương lai gần, các cửa hàng bán lẻ sẽ được trang bị cảm biến để giám sát hành vi mua sắm của khách hàng, như họ đã lấy món hàng nào, mắt dừng tại quầy kệ nào lâu nhất… Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ chuyển hóa những hình ảnh này thành số liệu phân tích cho phép các nhà bán lẻ tối ưu hóa vị trí đặt sản phẩm để tăng doanh thu, giám sát được các hành vi đáng ngờ, và quản lý hàng tồn theo thời gian thực.
Blockchain được biết đến là công nghệ hình thành đồng tiền mã hóa, nhưng lại giúp đổi mới chuỗi cung ứng của ngành bán lẻ. Công nghệ này giúp khách hàng luôn giám sát được nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm. Bằng cách này, nhà bán lẻ xây dựng được lòng tin nơi khách và tạo ra xu hướng tiêu dùng có ý thức.
Người tiêu dùng ngày càng sử dụng trợ lý ảo giọng nói, như Siri, Google Assistant hay Amazon Alexa để được tư vấn về những vấn đề của cuộc sống. Các nhà bán lẻ hoàn toàn có thể tận dụng công nghệ này làm lợi thế cạnh tranh với các trang bán hàng online.
Chẳng hạn, chuỗi nhà hàng Dominos Pizza cho phép khách hàng đặt mua pizza thông qua trợ lý ảo Alexa hay hãng xe Lyft (Mỹ) cho phép khách gọi xe bằng cách nói trực tiếp vào loa thông minh Amazon Echo. Khách hàng có thể đặt mua sản phẩm của Walmart bằng giọng nói thông qua nền tảng thương mại điện tử Google Express.
Nguồn: tapchitaichinh.vn