Vũ trụ ảo metaverse có thể cách mạng hóa Internet

Metaverse, nơi con người dù ở bất cứ đâu vẫn có thể giữ kết nối thông suốt qua kính thực tế ảo, được Mark Zuckerberg tin tưởng là tương lai của Internet.

Hãy tưởng tượng một thế giới mà bạn có thể ngồi trò chuyện vui vẻ trên cùng một chiếc ghế với người bạn sống cách xa hàng nghìn km, hoặc tham gia một cuộc họp quan trọng tại văn phòng ngay trên bãi biển. Metaverse – một tầm nhìn về tương lai nghe có vẻ viển vông – chính là thứ “gã khổng lồ” công nghệ Facebook coi như bước nhảy vọt tiếp theo trong sự phát triển của Internet.

Vũ trụ ảo metaverse có thể cách mạng hóa Internet

Metaverse là thuật ngữ khoa học viễn tưởng, được Neal Stephenson nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết Snow Crash năm 1992 của ông. Nội dung chính của cuốn sách đặt bối cảnh trong tương lai, nơi mọi người sử dụng kính thực tế ảo để tương tác trong thế giới kỹ thuật số giống trò chơi. Cuốn sách này từ lâu được nhiều doanh nhân ở Thung lũng Silicon yêu thích, nhưng những tháng gần đây, metaverse đã trở thành một trong những khái niệm “hot” nhất lĩnh vực công nghệ. Các công ty đổ hàng triệu USD vào phát triển.

Ngày 26/7, Facebook thông báo thành lập một nhóm phụ trách hiện thực hóa tầm nhìn của Zuckerberg về metaverse. “Đây là một phần quan trọng trong chương tiếp theo của ngành công nghệ”, Zuckerberg cho biết vào tuần trước. Ông dự đoán trong vòng 5 năm tới, Facebook sẽ chuyển từ “chủ yếu là một công ty truyền thông xã hội sang một công ty vũ trụ ảo”.

Như với nhiều thuật ngữ công nghệ mới, định nghĩa metaverse thế nào phụ thuộc vào người bạn hỏi. Nhưng nhìn chung, nó liên quan đến việc pha trộn thế giới thực với thế giới kỹ thuật số. Với sự trợ giúp của kính thực tế tăng cường AR, metaverse cho phép người sử dụng xem thông tin theo thời gian thực ngay trước mắt, từ cập nhật giao thông tới tình trạng ô nhiễm trong khu vực sinh sống.

Tuy nhiên, những người đam mê metaverse lại đang mơ về một ý tưởng còn rộng lớn hơn thế, khi vũ trụ ảo cho phép con người cảm nhận được môi trường kỹ thuật số. Khi nhân viên mệt mỏi với các cuộc họp qua video trong thời kỳ đại dịch, Zuckerberg đặc biệt hào hứng với ý tưởng nhiều người được tập hợp với nhau trong một căn phòng ảo giống họ đang đối mặt với nhau ngoài đời thực.

Sòng bạc và túi xách Gucci kỹ thuật số

Các trò chơi sử dụng phương thức nhập vai, cho phép người chơi bước vào thế giới kỹ thuật số phần nào mang đến cái nhìn thoáng qua về metaverse cuối cùng sẽ trông như thế nào.

Từ đầu những năm 2000, trò chơi Second Life đã xuất hiện, cho phép người chơi tự tạo hình đại diện kỹ thuật số và tương tác, mua sắm bằng tiền thật. Gần đây hơn, nhiều mảnh đất ở Decentraland – một game thế giới ảo nơi người chơi có thể xem các buổi hòa nhạc, tham quan các phòng trưng bày và đánh bạc – đã được bán với giá hàng trăm nghìn USD thông qua tiền điện tử Mana.

Một trò chơi điện tử cực kỳ phổ biến khác hiện nay là Fortnite cũng đang mở rộng sang các hình thức giải trí khác, sau màn biểu diễn của rapper Travis Scott vào năm ngoái, thu hút 12,3 triệu người theo dõi. Công ty sở hữu Fortnite, Epic Games cho biết vào tháng 4 rằng 1 tỷ USD đã được huy động để hỗ trợ xây dựng “tầm nhìn về metaverse”.

Tháng 5 năm nay, trên Roblox, một nền tảng trò chơi phổ biến với trẻ em, phiên bản kỹ thuật số của một chiếc túi Gucci đã được bán với giá hơn 4.100 USD – đắt hơn cả phiên bản thật.

Nhà tư vấn công nghệ Cathy Hackl cho biết thế hệ trẻ ngày nay cảm thấy thoải mái hơn với ý tưởng gắn ý nghĩa thực với các trải nghiệm và đối tượng ảo.

“Buổi biểu diễn đầu tiên của tôi là ở một sân vận động. Buổi biểu diễn đầu tiên của con trai tôi (rapper Lil Nas X) diễn ra ở trên Roblox. Việc nó được tổ chức ở Roblox không hề làm cho sự kiện kém ý nghĩa hơn”, Hackl nói.

Tiềm năng hay phản tác dụng

Hackl bác bỏ tầm nhìn lạc hậu được trình bày trong Snow Crash hay Ready Player One về một thế giới ảo nơi mọi người tìm đến chỉ để chạy trốn khỏi sự thật tàn khốc của cuộc sống. Bà cũng không nghĩ rằng metaverse sẽ khiến tất cả mọi người đóng cửa ở lì trong nhà với chiếc kính thực tế ảo suốt ngày đêm.

Facebook đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ, cho phép mọi người cảm thấy như đang ở một nơi nào khác, chẳng hạn thiết bị gọi video Portal, kính Oculus và nền tảng thực tế ảo Horizon. Nhưng ngay cả Zuckerberg cũng thừa nhận rằng những chiếc kính thực tế ảo hiện có “hơi rắc rối”, đòi hỏi sự phát triển lớn hơn nữa để tạo ra loại trải nghiệm mà ông từng mô tả.

Nhà phân tích công nghệ của Wedbush, Michael Pachter, cho biết rất khó dự đoán liệu Facebook có thể thực sự chuyển đổi thành một “công ty vũ trũ ảo” trong 5 năm hay không. Ông nói: “Nhưng Facebook chắc chắn có lợi thế rất lớn, đó là hàng tỷ người dùng trên các nền tảng khác nhau của hãng mỗi ngày. Nếu họ thực sự cung cấp các tùy chọn giải trí, rất có thể họ sẽ thành công”.

Nguồn: vnexpress.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *