7 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ tại hệ thống Saigon Co.op vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ bất chấp bối cảnh kinh tế khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM Saigon Co.op, “tiết lộ” những phương thức giúp hệ thống thay đổi mô hình đầu tư kịp thời để duy trì tăng trưởng.
Ở góc độ một doanh nghiệp bán lẻ, chúng tôi cũng đang chịu những tác động lớn khi các quốc gia có quan hệ giao thương mật thiết với Việt Nam đều đang tăng trưởng âm, sức tiêu dùng suy giảm. Trước bối cảnh này, tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm của hệ thống siêu thị Saigon Co.op tương đối khả quan vì có những giải pháp, chiến lược kịp thời.
Ông Nguyễn Anh Đức (tổng giám đốc Saigon Co.op)
Bán lẻ thích ứng với khó khăn
Tại Diễn đàn Kinh doanh lần thứ 11 (Business Forum 2023) diễn ra vừa qua ở TP.HCM, ông Nguyễn Anh Đức “tiết lộ” hệ thống của ông vẫn tăng trưởng nửa đầu năm và cho rằng thị trường chỉ giảm tốc chứ không khủng hoảng. 7 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ toàn thị trường tăng 7,1% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu đến từ mảng dịch vụ.
Người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu và có hai khía cạnh rất lớn ảnh hưởng trong vòng hai năm qua và đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2023.
“Thứ nhất, đó chính là bức tranh tăng trưởng kinh tế mang tông màu trầm buồn xám đen của đa phần các quốc gia có mối quan hệ giao thương rất mật thiết với Việt Nam, có ảnh hưởng trực diện rất lớn với ngành bán lẻ.
Thứ hai, tại Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành, Chính quyền địa phương liên tục ban hành nhiều nghị quyết, thông tư, nghị định cùng vực dậy nền kinh tế, từ đó Saigon Co.op đã nắm bắt và chủ động đưa ra những giải pháp phù hợp”, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ tại diễn đàn.
Những yếu tố bên ngoài đang tác động mạnh mẽ đến những khoản đầu tư cho công nghệ và thay đổi mô hình đầu tư để đảm bảo duy trì tăng trưởng. Đây là bài toán lớn mang tính thời sự hiện nay.
Ở góc độ doanh nghiệp, đó là bài toán huy động và phân bổ nguồn lực hợp lý, kinh doanh hiệu quả và bền vững, đón bắt được các xu hướng công nghệ mới và các mô hình kinh doanh thay đổi.
Ở góc độ kinh tế vĩ mô, là việc chuyển đổi cách thức tăng trưởng từ khai thác tài nguyên sẵn có sang tăng trưởng theo chiều sâu với hàm lượng chất xám cao.
“Ở góc độ một doanh nghiệp bán lẻ, chúng tôi cũng đang chịu những tác động lớn khi các quốc gia có quan hệ giao thương mật thiết với Việt Nam đều đang tăng trưởng âm, sức tiêu dùng suy giảm.
Trước bối cảnh này, tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm của hệ thống siêu thị Saigon Co.op tương đối khả quan vì có những giải pháp, chiến lược kịp thời” – ông Nguyễn Anh Đức nói thêm.
Nhận diện những động lực tăng trưởng mới
Theo đó, Saigon Co.op phải tập trung tăng trưởng vào chiều sâu, hy sinh những mặt hàng, dịch vụ đang làm không tốt, bạn hàng đang hợp tác không tốt để tập trung vào những gì hiệu quả dựa trên dữ liệu.
Nhờ khai thác nguồn dữ liệu khách hàng, hiểu thị hiếu đến mua sắm nên hệ thống đã giữ được tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm tương đối khả quan.
Hai là cải tổ hiệu suất bên trong, tiết kiệm theo phương châm “Do more with less” (Làm nhiều hơn với ít công hơn) chứ không đơn thuần là thắt lưng buộc bụng. Ba là tận dụng nguồn lực sẵn có, nghiên cứu sâu để tận dụng những lợi ích của các chính sách hỗ trợ gần đây nhằm tạo cú hích nhất định cho các sản phẩm, ngành hàng hay địa bàn kinh doanh.
Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số là những đầu tư “không hối tiếc” song song với thay đổi mô hình đầu tư không chỉ giúp các doanh nghiệp nói chung và Saigon Co.op nói riêng vượt qua khủng hoảng mà tạo đà cho tăng trưởng giai đoạn lâu dài về sau.
Mỗi doanh nghiệp tham gia vào thương mại điện tử, số hóa cần phải có sự lựa chọn về lối đi riêng phù hợp của mình dựa trên thế mạnh của mình, áp dụng nhanh chóng để theo kịp sự thay đổi và cập nhật liên tục của công nghệ hiện đại.
Ông Đức cho rằng Saigon Co.op luôn trong tâm thái lạc quan, chủ động và sẵn sàng đón nhận các chính sách trong nước như tăng tốc đầu tư công, giảm thuế VAT, thông qua nghị quyết 98 cho TP.HCM.
Hiện tại, Saigon Co.op áp dụng chính sách 3+5 đó là 3 tháng Saigon Co.op kiên trì làm theo những mục tiêu đã đề ra, 5 việc chuẩn bị cho dự báo sẽ có một tốc độ tăng trưởng có thể thấp hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng thấp hơn không có nghĩa là không hiệu quả hơn.
“Các khoản đầu tư công nghệ số, đổi mới sáng tạo không chỉ giúp vượt qua giai đoạn khó khăn này mà còn tạo đà tăng trưởng về sau. Và đó là tầm nhìn chiến lược mà các nhà bán lẻ đang đặt ra để bắt kịp thay đổi thói quen tiêu dùng mới”, ông Anh Đức khẳng định.
5 việc chuẩn bị cho dự báo tăng trưởng tương lai
1. Triển khai kế hoạch cụ thể dựa trên các chính sách ban hành trong nước, kể cả những khía cạnh có định hướng toàn cầu, tận dụng những góc độ đó dựa trên thế mạnh của doanh nghiệp.
2. Liên kết, chia sẻ, cởi mở với cộng đồng doanh nghiệp, hưởng ứng, vận dụng để thực hiện công tác kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn…
3. Chọn lọc những thế mạnh, có sự tập trung mũi nhọn, không dàn trải trong hoạt động.
4. Xác định lại xu hướng, thói quen của người tiêu dùng, lắng nghe tiếng nói khách hàng.
5. Chủ động tuyệt đối trong vấn đề quản trị rủi ro trong tình hình hiện nay.
Nguồn: Tuổi trẻ