Chuyển đổi số thành công đòi hỏi doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số nội tại doanh nghiệp, tích hợp phía trước với khách hàng và phía sau với nhà cung cấp.
Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp thích nghi với môi trường kinh doanh và nhu cầu của đối tác, khách hàng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số toàn cầu.
Đây là thông điệp được các chuyên gia nhấn mạnh tại Hội thảo “Phát triển năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức chiều 31/3.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC thông tin, Việt Nam đã khởi động chương trình chuyển đổi số quốc gia từ năm 2020 với ba trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Năm 2021 được nhận định là thời điểm “vàng” cho chuyển đổi số của Việt Nam. Do đó, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải hành động ngay việc phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp với các nước phát triển.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đầu năm 2021, Bộ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025. Đây là chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Mục tiêu chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam
Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025, tất cả doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách toàn diện từ nhân sự đến quản trị, tài chính, dữ liệu. Đồng thời, thiết lập được mạng lưới chuyên gia tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số trong từng lĩnh vực cụ thể như: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại…
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tập trung xây dựng các công cụ số, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số phục vụ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức Hiệp hội, Viện nghiên cứu, trường Đại học đang phát triển các công nghệ số, nền tảng số thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số.
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty Tư vấn Tái cấu trúc doanh nghiệp và Chuyển đổi số doanh nghiệp (DR. SME) cho rằng, tư duy và quyết tâm của lãnh đạo là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công của doanh nghiệp khi chuyển đổi số.
>> Xem thêm: Bảo tàng 4.0 – Bước chuyển mình của xu hướng công nghệ trong tương lai
>> Xem thêm: Việt Nam đang sánh ngang về AI với Hongkong, Phần Lan
Thành công của các hoạt động chuyển đổi số đến từ đâu?
Muốn chuyển đổi số thành công, chủ doanh nghiệp, người điều hành phải là người chỉ huy trực tiếp hoạt động, phê duyệt nguồn lực và quan trọng nhất họ phải là những kiến trúc sư quản trị sự thay đổi trong chuyển đổi số.
Chủ doanh nghiệp cần thành lập Ban chuyển đổi số bao gồm các chuyên gia tư vấn độc lập nhằm bổ sung năng lực và tri thức doanh nghiệp còn thiếu hoặc chuyên sâu đảm bảo dự án thành công. Đồng thời, nhanh chóng đào tạo phát triển năng lực chuyển đổi số doanh nghiệp, đặc biệt về nhân lực, quy trình và dữ liệu.
Phân tích về vai trò của chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng và sản xuất, ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn Kinh tế và Kinh doanh – trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, doanh nghiệp cần tư duy chuỗi cung ứng trong chiến lược, thực thi và vận hành chuyển đổi số.
Chuyển đổi số thành công đòi hỏi doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số nội tại doanh nghiệp, tích hợp phía trước với khách hàng và phía sau với nhà cung cấp. Các giải pháp chuyển đổi số phải tập trung vào độ mở, khả năng tích hợp cũng như vận hành trên toàn chuỗi cung ứng. Đặc biệt các giải pháp chuyển đổi số chuỗi cung ứng cần coi trọng vào dữ liệu, quy trình, công nghệ và nhân lực tích hợp bên trong cũng như bên ngoài.
Chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ, ông Tô Đình Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty Dinox Consulting cho rằng, doanh nghiệp nhỏ gặp rất nhiều hạn chế về nguồn lực như tài chính, nhân lực, cơ sở hạ tầng, mạng lưới kết nối nên thường né tránh vấn đề chuyển đổi số.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có nhiều lợi thế trong hành trình chuyển đổi số nhờ khả năng linh hoạt và thay đổi nhanh. Vấn đề quan trọng là nắm được cách thức vận hành, mô hình kinh doanh, quy trình chuyển đổi của các doanh nghiệp lớn và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo./.
(Nguồn: https://bnews.vn/)